Nâng lương hưu, trợ cấp BHXH; trả lương chậm quá 15 ngày phải trả tiền lãi; quy định bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước…là những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 3/2015.

Cụ thể:

  1. Quy định bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

Theo Nghị định về bán, chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trường hợp bán doanh nghiệp mà có từ hai người đăng ký mua trở lên thì phải bán theo một trong hai phương thức đấu giá sau:

 

Từ ngày 1/3, nếu chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động chậm trả lương quá 15 ngày phải trả tiền lãi


- Đấu giá kế thừa toàn bộ số lao động còn lại, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết một phần số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

- Đấu giá không kế thừa lao động, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết hết số lao động hoặc đã phê duyệt phương án giải quyết hết số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Trường hợp chỉ có một đơn đăng ký mua doanh nghiệp hợp lệ được chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp áp dụng phương thức bán thỏa thuận trực tiếp. Nghị định cũng quy định người lao động trong doanh nghiệp được xem xét giao doanh nghiệp khi đáp ứng đầy đủ 4 điều kiện.

Nghị định này có hiệu lực từ 1/3/2015.

  1. Trả lương chậm quá 15 ngày phải trả tiền lãi

Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động có hiệu lực từ 1/3/2015, mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời gian làm việc bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng. Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. 

Nghị định cũng quy định tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương.

  1. Nâng lương hưu, trợ cấp BHXH

Từ 10/3/2015, Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, đối tượng được hưởng chính sách sẽ được tăng lương kể từ ngày 1/1/2015 với mức tăng 8% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo Nghị định này, có 7 nhóm đối tượng được điều chỉnh tăng thêm 8% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. 

Đó là nhóm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo QĐ 41; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92, Nghị định số 121 và Nghị định số 9 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo QĐ 91, QĐ 613; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo QĐ 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111 - HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo QĐ 142, QĐ 38.

Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo QĐ 53.

Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo QĐ 62.

 

Nghị định Chính phủ cho hay kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng áp dụng đối với các đối tượng trên do ngân sách Nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm

  1. Chế độ ưu tiên về hải quan đối với doanh nghiệp

Theo Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện như:" Trong thời hạn 2 năm liên tục tính đến thời điểm doanh nghiệp nộp văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; các hành vi vi phạm hành chính có hình thức, mức xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và các chức danh tương đương. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải chấp hành tốt pháp luật về kế toán, kiểm toán; phải thực hiện và duy trì hệ thống, quy trình quản lý, giám sát, kiểm soát vận hành thực tế trong toàn bộ dây chuyền cung ứng hàng hóa xuất, nhập khẩu của mình" thì sẽ được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật; được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời, doanh nghiệp còn được cơ quan hải quan và các cơ quan kinh doanh cảng, kho bãi ưu tiên làm thủ tục giao nhận hàng hóa trước, ưu tiên kiểm tra giám sát trước...

Nghị định này có hiệu lực từ 15/3/2015.

  1. Quy định xác định thiệt hại đối với môi trường

Nghị định quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường (có hiệu lực từ 1/3/2015) quy định về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường bao gồm: Thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra.

Việc tính toán thiệt hại đối với môi trường dựa trên các dữ liệu, chứng cứ đã được thu thập, ước tính, thẩm định theo quy định tại Nghị định này. Thiệt hại đối với môi trường của một khu vực địa lý bằng tổng thiệt hại đối với từng thành phần môi trường của khu vực địa lý đó.