Chính sách thuế năm 2015: hướng tới hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Chính sách thuế năm 2015: hướng tới hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế - hải quan, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, cụ thể như:
- Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung 04 Nghị định về thuế, đồng thời ban hành Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 91/2014/NĐ-CP;
- Trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành: Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (05 Luật), Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.
- Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung 07 Thông tư về thuế, qua đó cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm số giờ để thực hiện khai, nộp thuế của doanh nghiệp.
I. Về các giải pháp chính sách
1. Theo Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ và Thông tư số 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, áp dụng trong năm 2014:
a) Về thuế TNDN (Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP)
- Không tính thuế TNDN đối với chênh lệch do đánh giá lại tài sản của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa.
- Tăng thời gian miễn thuế đối với thu nhập được miễn thuế của DN từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng VN, bán sản phẩm thử nghiệm: từ 01 năm lên 03 đến 05 năm.
- Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động không quá 01 tháng lương thực tế thực hiện
- Doanh nghiệp được trích khấu hao theo giá trị thực tế đối với ô tô dưới 09 chỗ ngồi sử dụng để làm mẫu và lái thử của các cơ sở kinh doanh ô tô (hiện hành chỉ cho trích khấu hao phần nguyên giá dưới 1,6 tỷ);
- Khu công nghiệp thuộc địa bàn các quận của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 01/01/2009 được hưởng ưu đãi thuế;
- Dự án phân kỳ đầu tư và dự án trang bị bổ sung máy móc thường xuyên, được hưởng ưu đãi thuế theo mức ưu đãi đang áp dụng đối với dự án đầu tư lần đầu; đối với dự án đầu tư được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 01/01/2014 thì ưu đãi thuế được hưởng cho thời gian ưu đãi còn lại được tính từ ngày 01/01/2014.
- Doanh nghiệp dệt may đáp ứng tiêu chí xuất khẩu bị ngừng ưu đãi thuế do thực hiện cam kết WTO được lựa chọn để hưởng ưu đãi thuế theo các điều kiện doanh nghiệp đáp ứng (ngoài điều kiện ưu đãi do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu, do sử dụng nguyên liệu trong nước) cho thời gian ưu đãi còn lại theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm được cấp Giấy phép thành lập hoặc tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm điều chỉnh do cam kết WTO.
b) Về thuế GTGT (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 209/2013/NĐ-CP)
- Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (K2 Đ2 NĐ 91);.
- Ô tô dùng để làm mẫu và lãi thử cho kinh doanh ô tô được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào (trước đó số thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ).
c) Về thuế TNCN (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2013/NĐ-CP)
- Khoản lợi ích nhận được là nhà ở do doanh nghiệp xây dựng cho công nhân làm việc trong các khu kinh tế, khu CN được trừ khỏi thu nhập chịu thuế TNCN;
- Cá nhân, hộ kinh doanh có thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán không phải quyết toán thuế TNCN;
- Cá nhân là đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp đã nộp thuế khấu trừ không phải quyết toán thuế.
d) Về quản lý thuế (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2013/NĐ-CP)
- Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động kinh doanh đã có văn bản đề nghị gửi cơ quan đăng ký kinh doanh nơi người nộp thuế đã đăng ký thì không phải nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh;
- Mở rộng diện được áp dụng biện pháp ưu tiên trong quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với doanh nghiệp có qui mô đầu tư lớn, dự án trọng điểm quốc gia, dự án đầu tư ưu tiên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước khi cấp phép đầu tư;
- Nâng mức doanh thu doanh nghiệp được khai thuế GTGT theo quý từ 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng qua đó giảm số lần khai thuế GTGT từ 12 lần/năm còn 04 lần/năm.
- Doanh nghiệp khai thuế và quyết toán thuế TNDN theo năm (không phải khai thuế theo quý như trước đây), theo đó giảm số lần khai thuế TNDN từ 5 lần/năm còn 01 lần/năm
- Doanh nghiệp chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước được gia hạn nộp thuế tối đa không quá 2 năm (thay vì 01 năm như trước đây).
2. Theo Luật số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ:
a) Về thuế TNDN (sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN và Nghị định số 218/2013/NĐ-CP):
- Bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như:
+ Miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp tại địa bàn đặc biệt khó khăn;
+ Áp dụng thuế suất 10% đối với: Thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp tại địa bàn khó khăn.
+ Áp dụng thuế suất 15% đối với: thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao nhất đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: Áp dụng ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
+ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao;
+ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm các ngành: dệt – may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương.
- Bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao nhất đối với dự án sản xuất có quy mô lớn: Áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với Dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, trừ dự án mặt hàng chịu thuế TTĐB và dự án khai thác khoáng sản, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu mười hai nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật công nghệ cao, Luật khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm kể từ ngày được cấp phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trường hợp dự án nêu trên đáp ứng thêm điều kiện (về doanh thu hoặc lao động hoặc đầu tư thuộc lĩnh vực hạ tầng kinh tế kỹ thuật theo quy định của Luật) thì Thủ tướng Chính phủ quyết định kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10%, thời gian kéo dài thêm không quá 15 năm.
- Bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi khi pháp luật về thuế TNDN có sự thay đổi: Doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của pháp các Luật về thuế tại thời điểm cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trường hợp pháp Luật về thuế TNDN có thay đổi mà doanh nghiệp đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung thì doanh nghiệp được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi về thuế suất và về thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp phép hoặc theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung cho thời gian còn lại.
- Bổ sung nguyên tắc về thu thuế TNDN đối với trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài
Để khuyến khích hợp lý doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chuyển thu nhập về Việt Nam, tại Luật bổ sung quy định: đối với các nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các nước chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế TNDN ở các nước mà doanh nghiệp đầu tư có thu nhập chuyển về nước có mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế TNDN tính theo Luật thuế TNDN của Việt Nam; đối với các nước có thuế suất bằng hoặc cao hơn thì không thu thuế TNDN.
- Bãi bỏ quy định khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại ... của doanh nghiệp
b) Về thuế GTGT:
- Bổ sung đối tượng không chịu thuế đối với tàu đánh bắt xa bờ.
- Chuyển 3 nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế là: Phân bón; Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
c) Về thuế tài nguyên:
- Bổ sung đối tượng không chịu thuế, không thu thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; nước biển làm mát máy, yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác
d) Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN):
- Về thuế đối với cá nhân kinh doanh:
Việc thu thuế TNCN đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo hướng đơn giải, thuận tiện hơn, cụ thể: áp dụng thu thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.Biểu thuế suất toàn phần trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh như sau:
+ Phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%;
+ Dịch vụ xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2%. Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%;
+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%;
+ Hoạt động kinh doanh khác: 1%.
Đối với cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không thuộc đối tượng nộp thuế TNCN.
- Bổ sung thu nhập thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân đối với:
+ Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.
+ Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ và thu nhập của thuyền viên làm việc trên tàu.
+ Thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ, thu nhập sau khi đã nộp thuế TCDN của doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ.
- Về thuế với chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản của cá nhân: Để minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện, áp dụng một phương pháp tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là: thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng, thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng từng lần đối với chuyển nhượng bất động và không thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản.
- Bãi bỏ thu thuế TNCN đối với thu nhập từ trúng thưởng trong casino tại Khoản 6 Điều 3 Luật số 04/2007/QH12.
đ) Về quản lý thuế
- Đơn giản hóa hồ sơ khai thuế: Bỏ Bảng kê hóa đơn hàng hóa mua vào, bán ra trong Hồ sơ khai thuế tháng, khai thuế quý trong kê khai thuế GTGT và thuế TTĐB.
- Giảm mức tính tiền chậm nộp: Mức tính tiền chậm nộp thuế áp dụng thống nhất là 0,05%/ngày trên số tiền chậm nộp thuế trong thời gian chậm nộp tiền thuế (trước đây nộp chậm quá 90 ngày thì áp dụng mức 0,07%/ngày kể từ ngày thứ 91).
- Không áp dụng các biện pháp cưỡng chế và không tính tiền chậm nộp đối với: Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không nộp đúng hạn các khoản thuế dẫn đến nợ thuế Luật quy định không thực hiện cưỡng chế thuế và không tính phạt chậm nộp nhằm đảm bảo công bằng về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với doanh nghiệp.
- Sửa đổi quy định về quy đổi tỷ giá trong việc tính thuế và nộp thuế vào ngân sách nhà nước: Người nộp thuế xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản thuế nộp ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam (trừ trường hợp nộp thuế bằng ngoại tệ theo quy định của Chính phủ). Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ hoặc người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp bằng ngoại tệ nhưng được cơ quan có thẩm quyền cho phép nộp thuế bằng đồng Việt Nam thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh.
II. Về công tác cải cách thủ tục hành chính
Trên cơ sở nhận định rõ những nguyên nhân, tồn tại ảnh hưởng đến thời gian để thực hiện thủ tục khai, nộp thuế của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội và triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó tập trung vào công tác cải cách, giảm thời gian khai, nộp thuế của doanh nghiệp mà theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế số giờ khai, nộp thuế của doanh nghiệp năm 2014 là 537 giờ.
Các giải pháp cụ thể là:
1. Về các giải pháp thuộc thẩm quyền Quốc Hội (giảm được gần 90 giờ)
Tại Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015, trong đó:
- Bãi bỏ quy định về khống chế đối với chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh qua đó giảm trên 08 giờ/năm.
- Kể từ ngày 01/7/2015, bãi bỏ quy định phải nộp Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra hoặc mua vào khi lập hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, qua đó giảm được hơn 80 giờ/năm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế.
2 Giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ (giảm 88.36 giờ)
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 để áp dụng ngay trong năm 2014 các giải pháp:
- Mở rộng đối tượng được áp dụng khai thuế GTGT theo quý (thay vì kê khai theo tháng) bằng việc điều chỉnh mức doanh thu khai thuế GTGT theo quý từ dưới 20 tỷ/năm lên dưới 50 tỷ/năm. (giảm được 29,36 giờ và giảm kê khai thuế GTGT là 8 lần/năm).
- Bãi bỏ quy định việc doanh nghiệp phải điều chỉnh thuế GTGT đầu vào khi đến kỳ hạn thanh toán chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. (giảm được 12 giờ)
- Sửa đổi quy định để doanh nghiệp thực hiện tạm nộp thuế TNDN theo quý, cuối năm quyết toán (hiện đang khai, tạm nộp thuế TNDN theo quý và quyết toán năm)(giảm được 47 giờ/năm và giảm số lần khai thuế thu nhập doanh nghiệp là 4 lần/năm)
3. Các giải pháp thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính (giảm 201.5giờ)
Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung 07 Thông tư với nhiều giải pháp như:
- Sửa đổi các chỉ tiêu trên Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra, mua vào: bỏ 3 chỉ tiêu ký hiệu hóa đơn, mẫu hóa đơn, thuế suất và thay chỉ tiêu “mặt hàng” bằng “ diễn giải kế toán” cho phù hợp với ghi chép kế toán. (giảm 132 giờ).
- Bỏ quy định phải tổng hợp và khai các hóa đơn GTGT đầu vào không đủ điều kiện khấu trừ và khai các hóa đơn hàng hóa, dịch vụ không phải tổng hợp trên tờ khai thuế (giảm 12 giờ)
- Bỏ quy định phải ghi chú trên bảng kê hóa đơn GTGT đầu vào về thời hạn thanh toán theo hợp đồng đối với hợp đồng thanh toán trả chậm. (giảm 42 giờ)
- Sửa các chỉ tiêu liên quan đến hạch toán thu NSNN trên các Giấy nộp tiền vào NSNN của NNT theo hướng doanh nghiệp ghi số tiền thuế phải nộp, cơ quan thuế, kho bạc sẽ tự hạch toán mục lục ngân sách (giảm 8 giờ)
- Rà soát các tiêu chí về thời gian lập bảng định mức tiêu hao nguyên vật liệu (đã bỏ), tính toán tỷ giá, giao dịch liên kết (không phù hợp với mô hình doanh nghiệp giả định),.. (khoảng hơn 7,5giờ)
- Điều chỉnh, khắc phục sự khác biệt giữa kế toán thuế để phù hợp với chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, chuẩn mực kế toán quốc tế, dự kiến giảm được 52 giờ.
Như vậy, thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ giảm được: 370 giờ/năm , thời gian khai thuế của doanh nghiệp còn 167 giờ/năm (tương đương mức bình quân của các nước ASEAN 6)
Với các giải pháp, chính sách cải cách trong những năm qua và định hướng đổi mới trong thời gian tới cũng như công tác triển khai, thực hiện đã và sẽ ngày càng góp phần tạo thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh. Nhưng để những chính sách đó được đưa vào cuộc sống, đảm bảo tính khả thi, tính phù hợp với sự vận động của nền kinh tế, của doanh nghiệp và phát huy được hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý trong xây dựng, triển khai thực hiện thì các doanh nghiệp cũng cần chủ động đề xuất, đóng góp cho công tác xây dựng, cải cách thể chế, chính sách đồng thời nắm bắt để có phương án sản xuất kinh doanh nhằm tận dụng những cơ hội mới về mặt chính sách, qua đó phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia với khu vực và thế giới.
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính