Đăng ký thuế theo quy định mới, giảm nhiều chi phí và thủ tục

Thông tư số 95/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa có hiệu lực thi hành (ngày 12/8), góp phần tạo sự minh bạch, rõ ràng trong việc thực hiện đăng ký thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm chi phí và nhiều thủ tục hành chính...

Để phù hợp với Luật Doanh nghiệp (DN) số 68/2014/QH13 có hiệu lực từ 1/7/2015 và thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 hướng dẫn về đăng ký thuế.

Thông tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong việc đăng ký thuế, giảm chi phí và thủ tục hành chính của DN trên cơ sở quy định rõ, cụ thể hơn các nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thuế, thay đổi thông tin đăng ký thuế, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, khôi phục mã số thuế, tạm ngừng kinh doanh, đăng ký thuế đối với trường hợp tổ chức lại, chuyển đổi mô hình hoạt động của tổ chức, trách nhiệm quản lý và sử dụng mã số thuế...

Quy định mới giúp DN hiểu rõ hơn quy trình, thủ tục và các bước thực hiện đăng ký thuế

Những điểm mới của Thông tư số 95/2016/TT-BTC bao gồm:

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Ngoài việc hướng dẫn các hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thuế; thay đổi thông tin đăng ký thuế; chấm dứt hiệu lực mã số thuế và trách nhiệm quản lý, sử dụng mã số thuế thì Thông tư số 95/2016/TT-BTC còn hướng dẫn thêm về khôi phục mã số thuế, tạm ngừng kinh doanh, đăng ký thuế đối với trường hợp tổ chức lại, chuyển đổi mô hình hoạt động của tổ chức.

Ngoài ra, Thông tư số 95/2016/TT-BTC còn quy định cụ thể về đăng ký thuế trong trường hợp DN thành lập và hoạt động theo Luật DN và trường hợp DN không thành lập và hoạt động theo Luật DN.

Theo đó, nếu DN thành lập và hoạt động theo Luật DN thì đăng ký thuế cùng với việc đăng ký kinh doanh theo Luật DN và văn bản hướng dẫn về đăng ký DN. Nếu DN không thành lập và hoạt động theo Luật DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và những nội dung liên quan đến quản lý thuế, đăng ký thuế của DN thành lập theo Luật DN nhưng chưa được quy định tại Luật DN và văn bản hướng dẫn thì đăng ký thuế theo Luật quản lý thuế và hướng dẫn tại Thông tư số 95/2016/TT-BTC.

Quy định chi tiết, cụ thể hơn đối tượng áp dụng

Thông tư số 95/2016/TT-BTC đã phân định đối tượng áp dụng theo sáu nhóm cụ thể trong khi đối tượng áp dụng tại Thông tư số 80/2012/TT-BTC khá dàn trải và sơ sài. Sáu nhóm đối tượng là: Nhóm nộp thuế; nhóm được ủy nhiệm thu; nhóm người phụ thuộc; nhóm cơ quan thuế; nhóm cơ quan hải quan; nhóm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Làm rõ hơn quy trình, thủ tục và các bước đăng ký thuế

Nhằm làm rõ hơn các từ ngữ được sử dụng tại Thông tư 95/2016/TT-BTC. Nhờ đó tạo thuận lợi và giúp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký thuế nắm và hiểu rõ hơn quy trình, thủ tục và các bước thực hiện đăng ký thuế, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và rõ ràng trong quản lý thuế nói chung, đăng ký thuế nói riêng.

Điều chỉnh quy định về mã số thuế

Trong khi Thông tư số 80/2012/TT-BTC chỉ bao gồm chữ số, mã số thuế quy định tại Thông tư số 95/2016/TT-BTC là một dãy số, chữ cái hoặc ký tự do cơ quan quản lý thuế cấp cho người nộp thuế theo Luật Quản lý thuế. Cụ thể, mã số thuế có cấu trúc như sau: N1N2 N3N4N5N6N7N8N9 N10 - N11N12N13

Các quy định đối với dãy N3N4N5N6N7N8N9 N10 và N11N12N13 không đổi so với Thông tư số 80/2012/TT-BTC. Tuy nhiên Thông tư 95/2016/TT-BTC bỏ quy định “N1đếnN10 được cấp cho đơn vị chính và DN thành viên” và bổ sung quy định “Dấu ngạch ngang: là ký tự để phân tách nhóm 10 số đầu và nhóm 3 số cuối”. Ngoài ra, quy định mã số thuế DN tại Thông tư số 95/2016/TT-BTC cũng phù hợp với mã số thuế DN theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.

Quy định một điều riêng về cấp và sử dụng mã số thuế

Cá nhân được cấp 1 mã số thuế (MST) duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó.  Người phụ thuộc của cá nhân được cấp MST để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN.

MST cấp cho người phụ thuộc đồng thời cũng là MST của cá nhân đó khi phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

MST cấp cho hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh là MST cấp cho cá nhân là đại diện hộ kinh doanh. Khi đại diện hộ kinh doanh chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh được cấp MST theo MST của đại diện hộ kinh doanh mới.

Nếu hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, MST của đại diện hộ kinh doanh được sử dụng là MST của cá nhân đó.

Hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh khi thay đổi đại diện hộ kinh doanh phải thông báo với cơ quan thuế để cấp lại MST. Nếu đại diện hộ kinh doanh mới đã được cấp MST cá nhân thì sử dụng MST đó.

Ngoài ra, Thông tư số 95/2016/TT-BTC còn quy định cấp mã số thuế đối với một số trường hợp cụ thể như: Đối với người nộp thuế tham gia hợp đồng, hiệp định dầu khí; đối với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài đăng ký nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế; đối với DN, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, cá nhân phải khấu trừ, nộp thuế thay cho nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài; tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế ủy nhiệm thu; tổ chức nộp thay cho cá nhân hợp đồng, hợp tác kinh doanh; và đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền đăng ký thuế qua cơ quan chi trả thu nhập.

Quy định chi tiết việc sử dụng mã số thuế

Người nộp thuế sử dụng MST để khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và thực hiện các thủ tục về thuế khác đối với tất cả các nghĩa vụ phải nộp ngân sách nhà nước, kể cả trường hợp người nộp thuế sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa bàn khác nhau.

DN, tổ chức đã được cấp MST nếu phát sinh các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới hoặc mở rộng kinh doanh sang địa bàn tỉnh, thành phố khác nhưng không lập chi nhánh hoặc đơn vị trực thuộc hoặc có cơ sở sản xuất trực thuộc trên địa bàn khác tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính, thuộc đối tượng được hạch toán khoản thu của ngân sách nhà nước theo Luật quản lý thuế, thì sử dụng MST đã cấp để khai thuế, nộp thuế với cơ quan thuế tại địa bàn nơi phát sinh hoạt động kinh doanh mới hoặc mở rộng kinh doanh.

Hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh có từ 2 địa điểm kinh doanh trở lên và mỗi địa điểm kinh doanh do một cơ quan thuế quản lý thì sử dụng MST đã cấp để kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế tại địa bàn nơi có địa điểm kinh doanh.

Cá nhân đã được cấp MST cá nhân, khi phát sinh hoạt động kinh doanh, nếu cá nhân là đại diện hộ kinh doanh thì sử dụng MST của mình để kê khai, nộp thuế cho hoạt động kinh doanh và ngược lại.

Chủ DN tư nhân phải sử dụng MST cá nhân của mình để kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế TNCN của bản thân chủ DNTN.

Nếu DN tư nhân phát sinh nghĩa vụ khấu trừ, nộp thay thuế TNCN cho các cá nhân làm việc tại DN tư nhân thì sử dụng MST của DN tư nhân để kê khai, khấu trừ, nộp thay.

Cá nhân là người phụ thuộc khi phát sinh nghĩa vụ phải nộp ngân sách nhà nước thì sử dụng MST đã được cấp cho người phụ thuộc để khai thuế, nộp thuế đối với các nghĩa vụ phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước.

Cơ quan thuế căn cứ vào hồ sơ phát sinh nghĩa vụ thuế lần đầu, thực hiện chuyển MST của người phụ thuộc thành MST của người nộp thuế để hạch toán nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế.

Quy định cụ thể thời hạn đăng ký thuế của người nộp thuế

Tổ chức, cá nhân không hoạt động sản xuất, kinh doanh có phát sinh nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước hoặc được hoàn thuế thực hiện đăng ký thuế cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế lần đầu theo Luật Quản lý thuế.

Hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh đăng ký thuế cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế lần đầu. Nếu được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh phải đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Cá nhân nộp thuế TNCN đăng ký thuế cho người phụ thuộc cùng với thời hạn thực hiện thủ tục đăng ký giảm trừ gia cảnh theo quy định pháp luật thuế TNCN.

Cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế cho cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và đăng ký thuế cho người phụ thuộc của cá nhân 1 lần trong năm chậm nhất là 10 ngày làm việc trước thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN hàng năm.

Với những điểm mới trong Thông tư số 95/2016/TT-BTC sẽ góp phần tạo sự minh bạch, rõ ràng trong việc thực hiện đăng ký thuế, tạo thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.

TS. Nguyễn Viết Lợi

Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

 

 

Xem toàn văn Luật Kế Toán 2015 Click đây.

Download Luật Kế Toán 2015 Click đây.